image banner
Báo cáo tổng kết thi hành Luật tổ chức chính quyền địa phương

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
XÃ ĐỒNG THÀNH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHŨ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 03/BC-TTHĐ Đồng Thành, ngày 29 tháng 3 năm 2024

BÁO CÁO
Tổng kết thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015
(sửa đổi, bổ sung năm 2019)
(Kèm theo Công văn số 11/HĐND-TT ngày 28 tháng 3 năm 2024
của Thường trực HĐND huyện)

Phần I
KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH VÀ CÔNG TÁC
TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
Đồng Thành là một xã vùng miền núi, nằm phía Tây của huyện Yên Thành, có tổng diện tích tự nhiên 3.067 ha, có 9 thôn xóm, với số hộ 2.206 hộ; 9.187 nhân khẩu. Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND Huyện, sự giúp đỡ của các Phòng, Ban, Ngành, Đoàn thể Huyện, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xã đã nêu cao truyền thống đoàn kết, thống nhất, phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Kết quả tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,56%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 61,27 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm có nhiều tiến bộ; hàng năm có trên 97 % số hộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,0%, cận nghèo còn 2,3%. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả; không có đơn thư khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp.
Những thuận lợi và khó khăn trong triển khai và tổ chức thi hành Luật chính chính quyền địa phương
1. Thuận lợi:
- Sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 ra đời, Quốc hội ban hành nhiều Luật, Pháp lệnh, Chính phủ ban hành các Nghị định, các bộ, ngành ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
- Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đoàn kết, thống nhất, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, trong đó có Luật tổ chức chính quyền địa phương.
- Chính quyền địa phương đã kịp thời cụ thể hóa, tổ chức thực hiện Luật chính quyền địa phương phù hợp với thực tiễn địa phương
2. Khó khăn
Một số Bộ Luật chuyên ngành, các Nghị định của Chính phủ, thông tư, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ban, ngành Trung ương cụ thể Luật Tổ chức chính quyền địa phương ban hành còn có những nội dung sau khi ban hành còn bất cập, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
II. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT
1. Công tác phổ biến, triển khai thi hành Luật
Luật chính quyền địa phương năm 2015 ra đời, thực hiện các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên, Hội đồng nhân dân xã đã tổ chức quán triệt, phổ biến Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đến các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân xã. Đồng thời cung cấp Luật, các tài liệu có liên quan để phục vụ việc quán triệt, triển khai thi hành Luật. Năm 2020, Hội đồng nhân dân xã đã tổ chức quán triệt luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Luật số 47/2019/QH14). Đồng thời phối hợp với Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đến cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân trên địa bàn xã. Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch của cấp trên, đã cử và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Thường trực HĐND, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân xã tham gia các lớp tập huấn, phổ biến Luật và các nội dung lien quan. Công tác quán triệt, phổ biến, triển khai Luật được thực hiện nghiêm túc, đã góp phần giúp cho cán bộ, công chức, đại biểu Hội đồng nhân dân xã nắm chắc những nội dung cơ bản của Luật, các văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật tổ chức chính quyền địa phương, cũng như quá trình triển khai, tổ chức thi hành Luật trên địa bàn xã.
2. Công tác ban hành các văn bản pháp luật thi hành Luật
Thực hiện Luật chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), các văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật, từ năm 2015 đến nay, Hội đồng nhân dân xã đã ban hành 25 văn bản (Nghị quyết), để triển khai thực hiện các nội dung của Luật. Các văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, quá trình tổ chức thực hiện đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phần II
ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA LUẬT
(Đề nghị đánh giá rõ kết quả thực hiện; các hạn chế, vướng mắc, bất cập từ các quy định của Luật và quá trình tổ chức thực hiện)
I. VỀ NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Tổ chức đơn vị hành chính (ĐVHC) và phân loại ĐVHC
Các quy định của Luật về tổ chức đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được thực hiện nghiêm túc ở địa phương. Đã thực hiện nghiêm việc rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về các nội dung về đơn vị hành chính cấp xã, trên cơ sở đó phục vụ tốt cho cấp có thẩm quyền trong việc phân loại đơn vị hành chính cấp xã ở địa phương. Các quy định của Luật là phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hiện nay

2. Tổ chức chính quyền địa phương ở các ĐVHC; các quy định chung về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; về Hội đồng nhân dân (HĐND) và tiêu chuẩn của đại biểu HĐND.
Các quy định của Luật về chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Các quy định về nguyên tắc và tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương đảm bảo tính Pháp lý, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với thực tiễn của đất nước. Các quy định về Hội đồng nhân dân và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với thực tiễn, được thực hiện nghiêm túc ở địa phương. Hội đồng nhân dân xã đã ban hành các văn bản để cụ thể hóa quy định của Luật, đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền.
3. Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương, phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương và ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Các quy định của Luật về Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương, phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, ủy quyền và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đã cơ bản phù hợp với thực tiễn, được tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, góp phần giúp cho chính quyền địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
Nhiệm vụ cả cấp xã, cấp huyện cấp tỉnh cùng thực hiện nhưng chưa rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp, như: Quyết định biện pháp thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh; biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn
4. Mối quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.
Các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về mối quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, được thực hiện nghiêm túc thông qua việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Hội đồng nhân dân với Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện tốt các hoạt động xây dựng chính quyền; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của chính quyền địa phương. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tham dự đầy đủ các kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn về các vấn đề có liên quan. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã thực hiện chế độ thông báo tình hình của địa phương cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Đồng thời lắng nghe, giải quyết và trả lời các kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

II. VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND CÁC CẤP
1. Cơ cấu tổ chức của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND các cấp (gồm: Cơ cấu và số lượng thành viên; chất lượng biểu HĐND, đại biểu chuyên trách về trình độ học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ).
Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân xã được quan tâm triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thể hiện được vai trò cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. TT HĐND, các Ban HĐND và Đại biểu HĐND đều thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, luôn giữ mối liên hệ với cử tri, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri; các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cơ cấu tổ chức bộ máy của HĐND cấp xã bảo đảm theo Luật định: Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, hai trưởng Ban HĐND. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Hội đồng nhân dân xã thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - xã hội. Ban của Hội đồng nhân dân xã gồm có Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân xã do Hội đồng nhân dân xã quyết định gốm 3 đại biểu/Ban. Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân xã hoạt động kiêm nhiệm. (Về cơ cấu, số lượng thành viên, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu chuyên trách có biểu đính kèm)
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và Tổ đại biểu HĐND (gồm: Tổ chức các kỳ họp của HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND; việc ban hành các nghị quyết của HĐND; hoạt động giám sát của HĐND; hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân).
Chất lượng hoạt động của HĐND xã ngày càng nâng lên. Việc ban hành Nghị quyết luôn sát với tình hình của địa phương; triển khai thực hiện tốt các cuộc giám sát theo Luật định và những vấn đề cử tri quan tâm. Nội dung các kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, thực hiện tốt công tác chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp. Các kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết kịp thời, từng bước khắc phục được những mặt hạn chế trong hoạt động quản lý nhà nước của địa phương.
Hoạt động của HĐND xã bảo đảm nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương như: Quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; thực hiện bảo đảm đúng quy định về bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân xã; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Ủy viên Ủy ban nhân dân xã. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách xã; điều chỉnh dự toán ngân sách xã trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách xã. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của xã trong phạm vi được phân quyền.
Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, các Ban của Hội đồng nhân dân xã; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân xã.
Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân xã và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân xã xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu. Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chất lượng đại biểu HĐND xã chưa đồng đều, chưa nắm sát và phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với cơ quan có thẩm quyền, từ đó việc giải quyết những kiến nghị của cử tri có lúc còn chậm so với yêu cầu; chất lượng giám sát của HĐND xã còn hạn chế.

Phần III
ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
I. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ VỀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; trong đó đề nghị tập trung nghiên cứu, đề xuất các nội dung cụ thể về phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương, ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; các nội dung cụ thể về mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và các cơ quan chuyên môn trực thuộc bảo đảm phù hợp với đặc điểm của nông thôn, đô thị), gồm:
1. Về những quy định chung (về tổ chức ĐVHC, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương; phân quyền, phân cấp, ủy quyền,...): Không
2. Về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, HĐND (cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND).
Luật Tổ chức chính quyền địa phương không quy định thành lập tổ đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp xã nên khó khăn cho việc điều hành ở cơ sở. Vì vậy, Quốc hội cần xem xét, bổ sung quy định thành lập Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp xã.
3. Các vấn đề khác (nếu có): Không
II. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ VỀ TỔ CHỨC THI HÀNH PHÁP LUẬT
1. Về công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thưc hiện
Đề nghị khi các Luật có hiệu lực thi hành, Chính phủ, các bộ, ngành sớm có các Nghị định, thông tư …hướng dẫn thi hành Luật, đảm bảo kịp thời, nhất là các vấn đề bất cập nảy sinh cần được cụ thể hóa để triển khai thực hiện thêm để có hiệu quả cao nhất.
2. Về các điều kiện bảo đảm tổ chức thi hành pháp luật (tổ chức bộ máy, biên chế, ngân sách bảo đảm,...).
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật như kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phù hợp. Đặc biệt, yếu tố về con người phải được chú trọng, có các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp; tạo môi trường công khai, minh bạch và dân chủ để cơ chế thi hành Pháp Luật được vận hành đạt hiệu quả cao.
Trên đây là báo cáo tổng kết thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) của Hội đồng nhân dân xã Đồng Thành. Thường trực Hội đồng nhân dân xã kính báo cáo./.

THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ

BẢN ĐỒ XÃ ĐỒNG THÀNH - HUYỆN YÊN THÀNH
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ ĐỒNG THÀNH
Chịu trách nhiệm nội dung:  chủ tịch UBND xã
 

Trụ sở: Xã Đồng Thành, Huyện Yên Thành, Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: +84-984925338 - Email: Ngotuan338@gmail.com